Chắc hẳn mọi người đã từng nghe qua và có ít nhất một lần trải nghiệm những ứng dụng/sản phẩm liên quan đến AR/ VR. Thế nhưng khái niệm về công nghệ này vẫn còn khá chung chung khi chỉ được gói gọn vỏn vẹn trong cụm “Công nghệ thực tế ảo”. Vậy giữa hai công nghệ này có điểm gì khác biệt, đâu là những ứng dụng thực tế của chúng?
Hãy cùng Marvy Co tìm hiểu xem AR/VR là gì và sự khác biệt của hai công nghệ này nhé!
1. AR - Augmented Reality| Thực tế tăng cường:
Công nghệ Augmented Reality (gọi tắt là AR) là sự cải tiến trong công nghệ khi có thể đưa nội dung ảo vào thế giới thực thông qua camera của thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng,... . Nói một cách khác, công nghệ AR cho phép người dùng vẫn nhìn thấy môi trường xung quanh, song những nội dung ảo cũng hiện lên trước mắt họ như một lớp phủ chồng lên ảnh thực. Qua đó, họ có thể tương tác với chúng dễ dàng.
Công nghệ AR bao gồm nhiều loại ứng dụng phù hợp với từng mục đích sử dụng của người dùng. Có thể kể đến như AR Face Filter, AR Image Target, AR Product Viewer,AR Geo Location,... Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp, thương hiệu nổi tiếng đã lựa chọn công nghệ AR này không chỉ để cải tiến chất lượng dịch vụ/ sản phẩm của mình mà còn hỗ trợ cho những hoạt động truyền thông tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn.
Ví dụ như IKEA, ứng dụng Place sử dụng công nghệ AR đã giúp khách hàng của họ có thể xem trước những sản phẩm nội thất và sắp đặt thử vào những vị trí sẵn có trong nhà. Như vậy, khách hàng có thể dễ dàng đưa ra quyết định mua sản phẩm hay không.
AR Product Viewer - Ứng dụng Place của IKEA
Hay chúng ta cũng có thể thấy ứng dụng AR thông qua những hiệu ứng trên các nền tảng Instagram, Facebook. Ví dụ như AR Face Filter Tết 2021 từ Merries, Kylie Cosmetics, Dior,... Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, cùng thao tác đơn giản như chạm, gật đầu,... người dùng đã có thể tương tác với nội dung ảo như thêm trang điểm, chèn sticker, ghép ảnh 3D,...lên nền ảnh thật. Ngoài ra, công nghệ AR cũng được ứng dụng vào các trò chơi như Pokemon Go, Hado the Hunter,... tạo cảm giác thú vị cho người chơi.
Hado the Hunter - AR Game bắn thú thu thập tiền vàng
2. VR - Virtual Reality| Thực tế ảo:
Công nghệ Virtual Reality (gọi tắt là VR) là một hình thức mô phỏng các không gian khác nhau, tình huống tương tự hoặc khác hoàn toàn so với thế giới thực. Những thành phần ảo hóa này được thiết lập từ máy tính và chỉ được nhìn thấy, trải nghiệm thông qua mắt kính chuyên dụng - kính VR. Qua đó, công nghệ VR sẽ đưa người dùng tới một không gian mới tách biệt hoàn toàn với thế giới hiện tại. Đồng thời thị giác và thính giác của họ cũng được kích thích thông qua đồ họa bắt mắt, khả năng tương tác nhạy bén của VR.
Trải nghiệm kính VR
Như vậy, người dùng sẽ được hòa mình vào thế giới ảo và có những trải nghiệm chân thật nhất. Tất cả những khung cảnh tưởng chừng chỉ xuất hiện trên màn hình máy tính như phi thuyền, dải ngân hà, hay những địa điểm du lịch trong mơ, bỗng chốc được hiện hữu ngay trước mắt mình và cho phép bản thân tương tác với chúng như thực.
Ngoài ứng dụng trong những nội dung giải trí, VR cũng được các doanh nghiệp sử dụng với vai trò nâng cao trải nghiệm người dùng đối với sản phẩm của mình. Ví dụ như hãng xe Nissan, họ đã đưa công nghệ này vào dịch vụ lái thử để người dùng có thể cảm nhận những tính năng của hãng xe này như thực trước khi đưa ra quyết định sở hữu chúng.
Công nghệ VR trong dịch vụ lái thử của Nissan
3. Sự khác biệt giữa AR và VR
Sự khác biệt giữa AR và VR
AR | VR | |
Mục đích | Tăng cường trải nghiệm của người dùng bằng cách mang nội dung ảo vào đời thực | Đưa người dùng đến với một không gian mới hoàn toàn và có những trải nghiệm chân thật mới lạ |
Trải nghiệm người dùng | Bằng camera của thiết bị di động, người dùng có thể nhìn thấy đồng thời nội dung ảo trên nền ảnh thật | Tách biệt người dùng khỏi không gian thực để trải nghiệm 100% thế giới ảo |
Thiết bị | Đa số các loại smartphone | - Smartphone và headset - Kính VR chuyên biệt |
Chi phí | Trung bình | Cao |
Ứng dụng | Ghép ảnh 3D, trò chơi tương tác,... | Sản phẩm giải trí như phim điện ảnh, trò chơi điện tử,... |
Như vậy có thể thấy, AR và VR đều sở hữu cho mình những ưu điểm nổi trội khác nhau cùng những mục đích khác nhau để hỗ trợ nhu cầu của người dùng. Tuy nhiên, công nghệ AR có phần vượt trội hơn hẳn và được sử dụng phổ biến hơn. Vì người dùng dễ dàng thao tác với công nghệ AR bằng những thiết bị di động sẵn có mà không cần cài đặt, kết nối với một thiết bị khác.
Trong khi đó, công nghệ VR lại yêu cầu cần có thiết bị kính đặc biệt để trải nghiệm và chi phí cho một chiếc kính này lại khá cao không phải ai cũng có thể sở hữu chúng. Ngoài ra, để sử dụng được kính cũng cần một thời gian để người dùng quen với thiết bị, nếu không có thể gây ra cảm giác khó chịu.
Tóm lại, AR và VR là hai nền tảng công nghệ mới có thể nâng cao trải nghiệm người dùng thông qua những tương tác giữa thế giới thực và ảo. Đối với VR, người dùng sẽ hoàn toàn chìm đắm vào thế giới của riêng mình với chiếc kính VR đặc thù. Còn với AR, sự kết hợp hài hòa giữa thực, ảo sẽ khiến người dùng vừa có trải nghiệm mới lạ nhưng vẫn quen thuộc không gian thực tế xung quanh.